Các liệu pháp tự chăm sóc tại nhà khi mắc phải rối loạn khớp thái dương hàm

Tại nha khoa Thùy Anh, đôi khi chúng tôi gặp những cuộc gọi của các bệnh nhân ở xa, nơi mà họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thăm khám, điều trị về khớp, họ hỏi rằng: “Liệu có cách nào có thể giúp giảm sự khó chịu của các triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm hay không và nó có thể áp dụng trong trường hợp nào?” Những điều này sẽ được chúng tôi giải đáp trong bài chia sẻ ngày hôm nay.

Cái đau của rối loạn khớp thái dương hàm thường không phải là đau nhói, đau nhức nhối nhưng nó lại đau dai dẳng, âm ỉ, đặc biệt là khi ta cử động hàm: há ngậm, ăn nhai. Nó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung, ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Hầu hết, những bệnh phân mắc phải TMD đều có các triệu chứng tương đối nhẹ hoặc theo chu kỳ, các triệu chứng này có thể tự cải thiện trong vòng vài tuần bằng các liệu pháp đơn giản mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà.

Những liệu pháp tự chăm sóc tại nha khi bị rối loạn khớp thái dương hàm 

Bạn có thể thực hiện những hướng dẫn sau đây để giảm bớt các triệu chứng TMD của mình:

Thứ 1: Chườm nóng/ chườm lạnh

Chườm nóng/lạnh giúp giảm đau do viêm khớp thái dương hàm

Một cuộc khảo sát trên các bệnh nhân rối loạn khớp thái dương hàm do TMJA (The TMJ Association) thực hiện cho thấy, biện pháp thường xuyên được bệnh nhân sử dụng nhất (với 65% số người được hỏi) đó chính là chườm nóng hoặc chườm lạnh lên hàm. Và 74% trong số đó cho biết rằng việc chườm nóng hoặc chườm lạnh giúp làm giảm các triệu chứng của họ.

  • Chườm nóng: Giúp tăng cường lưu thông máu đến khu vực đó, thư giãn cơ, nó sẽ rất hiệu quả với những trường hợp bị đau âm ỉ, liên tục. Bạn có thể thực hiện dễ dàng bằng cách ngâm một chiếc khăn trong nước ấm và đắp lên vùng đau trong khoảng 20 phút hoặc đơn giản là dùng túi chườm giữ nhiệt hoặc chai, cốc nước ấm đều được. 

Trong thời gian đó, bạn có thể phải thay nước vài lần để đảm bảo rằng nhiệt được giữ ổn định, cũng chú ý cẩn thận không dùng nước nóng quá tránh bị bỏng.

  • Chườm lạnh: Hiệu quả với những trường hợp bị đau nhói ở khớp hàm, trong những đợt viêm đau cấp. Bạn hãy dùng những viên đá lạnh đặt vào khăn mỏng rồi chườm lên vùng khớp đau, giữ đó trong khoảng thời gian 10 -15 phút, không nên chườm quá lâu. Bạn có thể lặp lại sau mỗi 2h nếu cần. Trong quá trình chườm, không nên đặt túi lạnh trực tiếp nên da, mà nên bọc nó trong một chiếc khăn vải sạch.

Thứ 2: Chế độ ăn

Tạm thời bạn nên chuyển sang chế độ ăn mềm để cho hàm và các cơ xung quanh được nghỉ ngơi, không phải hoạt động quá mức. Bạn có thể ăn những thực phẩm như cơm, bún phở, đậu, súp, rau luộc hoặc thực phẩm đã được nấu nhừ. Đặc biệt tránh những thực phẩm quá cứng, giòn, dai hoặc có kích thước lớn mà bạn phải há thật to mới ăn được. Đừng cố cắn miếng lớn, bạn nên sử dụng máy xay hoặc kéo để cắt thức ăn thành nhiều phần nhỏ. Cố gắng duy trì chế độ ăn đồ mềm cho đến khi các triệu chứng được kiểm soát ổn định.

Thứ 3: Chế độ sinh hoạt, lối sống

Tâm lý stress, căng thẳng lo âu kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân làm bệnh tiến triển nặng lên và dai dẳng mãi không khỏi. Thay đổi suy nghĩ, nhìn cuộc sống tích cực lành mạnh, cố gắng quên bệnh sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn nhiều.

  • Hạn chế thức khuya, các thức uống kích thích như rượu bia, cafe…
  • Tập thể dục đều đặn như bơi, chạy bộ.
  • Dành thời gian cho những hoạt động bạn yêu thích như nghe nhạc, đọc sách, dắt cún đi dạo… Tránh xa những thông tin tiêu cực từ mạng xã hội.

Thứ 4: Chăm sóc răng miệng tại nhà và thăm khám nha khoa định kỳ

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp Chí Đau Vùng Mặt (Journal of Orofacial Pain) chỉ ra rằng các bệnh nhân mắc Rối Loạn khớp thái dương hàm cảm thấy khó khăn hơn trong việc chăm sóc răng miệng hàng ngày tại nhà vì bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng như đau hay hạn chế vận động hàm. Khi đó nếu ta vệ sinh răng miệng không tốt, sẽ tăng nguy cơ mắc những bệnh lý thường gặp như viêm lợi, sâu răng… dẫn tới phải điều trị nha khoa xâm lấn, can thiệp sâu hơn. 

Bởi vậy, việc vệ sinh răng miệng đúng cách, cũng như thăm khám nha khoa định kỳ là rất quan trọng. Khi phát hiện những vấn đề ở giai đoạn sớm thì bao giờ cũng dễ dàng xử lý hơn, ít mất thời gian và chi phí hơn. Trong một bài chia sẻ khác, chúng tôi sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể, để bạn có thể chăm sóc răng miệng tại nhà tốt.

Những liệu pháp tự chăm sóc tại nhà này sẽ được áp dụng với các trường hợp đau mỏi cơ, đau âm ỉ mức độ nhẹ. Nếu bạn đau nhiều, gặp phải các tình huống hạn chế vận động hàm như đột nhiên không thể há to, đột nhiên không ngậm hàm lại được hoặc sau khi áp dụng các liệu pháp tự chăm sóc tại nhà ít ngày, mà các triệu chứng không được cải thiện thì tốt nhất bạn nên tìm đến phòng khám chuyên khoa để có thể được thăm khám và điều trị sớm nhất, tránh để tình trạng diễn biến nặng.  Cảm ơn các bạn đã chú ý theo dõi, thông tin được chia sẻ bởi bác sĩ Tuấn – trực thuộc khoa khớp thái dương hàm tại Nha khoa Thùy Anh. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook Chat