Nghiến răng là thuật ngữ không phải xa lạ gì với mỗi chúng ta, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ tường tận về tình trạng này. Liệu nghiến răng có phải là bệnh lý cần điều trị không? Bản thân mỗi người có thể tự phát hiện ra được? Bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi xoay quanh chủ đề này để các bạn có cái nhìn rõ ràng và chi tiết nhất nhé.
Nghiến răng là tình trạng như thế nào?
Nghiến răng là chứng rối loạn hoạt động trong miệng được định nghĩa là hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, đặc trưng bởi sự siết chặt hoặc nghiến của răng bởi sự đưa hàm và giữ hàm ở một vị trí của hàm dưới. Rối loạn này bạn có thể gặp cả khi ngủ hoặc khi thức. Trước giờ có thể bạn nghĩ, nghiến răng là hoạt động chắc chắn phải có tiếp xúc răng, cọ xát và gây nên tình trạng mòn răng. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải vậy, bởi nghiến răng là hành động có tần suất lặp đi lặp lại và đặc trưng bởi một trong các hình thức sau:
+ Cắn chặt răng: Tức là không có hoạt động nghiến mà chỉ có siết chặt răng ở 1 vị trí của 2 hàm
+ Nghiến răng : Là hoạt động nghiến sang trái, phải, ra trước hay ra sau
+ Đưa hàm tại 1 vị trí
+ Giữ hàm tại 1 vị trí
Nghiến răng có thể gặp tỉ lệ 8 – 10% ở người trưởng thành và là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều than phiền và bệnh lý nha khoa khác như mòn răng, ê buốt răng, đau cơ khớp, đau đầu, rối loạn cơ khớp, vì vậy kiểm soát chứng nghiến răng rất quan trọng và điều trị là điều cần thiết. Bên cạnh đó, nghiến răng ở trẻ thì xảy ra khá phổ biến, tuy nhiên bố mẹ không phải quá lo lắng nhiều về điều này vì khi ở độ tuổi mọc răng thì trẻ thường khó chịu trong miệng, cũng như trẻ ở độ tuổi lớn hơn thì có chịu những stress trong cuộc sống hay học tập, lúc này nghiến răng xảy ra. Nhưng theo nghiên cứu, tỉ lệ này sẽ giảm dần theo độ tuổi, nên nghiến răng thường là hoạt động phản hồi lại những khó chịu đó của trẻ, và nếu chưa gây nên tình trạng gì như đau đầu hay mòn răng, thì chưa cần thực hiện phương án điều trị nào ở trẻ.
Vậy nguyên nhân gây nghiến răng ở người lớn là gì?
Theo quan điểm ngày xưa, nghiến răng xảy ra nhằm loại bỏ các tiếp xúc xấu giữa các răng của 2 hàm. Nhưng ngày nay, đó là bệnh lý đa nguyên nhân như di truyền, rối loạn khớp cắn, rối loạn tâm lý, rối loạn trong giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản, thuốc điều trị như thuốc chữa parkison, an thần.
Nghiến răng gây ra hậu quả như thế nào, liệu có nghiêm trọng không là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc với chúng tôi. Nghiến răng không chỉ gây ảnh hưởng đến răng của bạn, mà còn kéo theo những hậu quả xấu tới cơ, khớp liên quan, đồng thời ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bạn và người xung quanh.
+ Nhiều người quan tâm là tiếng ồn nghiến răng: Bản thân người gặp phải thường không biết mà được phát hiện bởi người ở cùng, tuy nhiên tiềng ồn này chưa phải là yếu tố quyết định có nghiến răng hay không, vì vẫn có trường hợp nghiến răng nhưng không phát ra tiếng ồn như nghiến răng thuộc hình thức cắn chặt răng.
+ Mòn răng: Xảy ra khi có sự cọ xát giữa 2 hàm, bề mặt răng giới hạn diện mòn rõ và ăn khớp cùng lồng vào nhau. Bên cạnh gặp ở mặt nhai còn thấy ở cổ răng, tình trạng này xảy ra do các lực mạnh quá mức theo chiều ngang lên răng.
Và đau cơ nhai, có thể gây phì đại cơ nhai dẫn đến mặt mất cân xứng.
+ Đau vùng khớp thái dương hàm và gây rối loạn vận động như há miệng hạn chế, hay tiếng kêu khớp. Đau đầu xảy ra do vận động nhiều ở cơ thái dương, nếu nghiến răng lúc ngủ thì cơn đau đầu xảy ra khi thức dậy và giảm dần trong ngày, còn nghiến lúc thức thì cơn đau đầu xảy ra tăng dần vào cuối ngày.
Ngoài ra, còn thấy được đường nhai hiện rõ ở má và lưỡi do áp lực âm tạo nên khi siết răng làm cho mô mềm bị hút vào giữa các răng. Nứt gãy các phục hình trong miệng cũng là mối lo cho cả nha sĩ điều trị cho bạn.
Cách để phát hiện tình trạng nghiến răng
Nghiến răng được phát hiện với mức độ tin cậy từ thấp đến cao dựa vào 3 tiêu chí sau: Bệnh nhân tự báo, bác sĩ khám lâm sàng, và các máy chẩn đoán.
+ Đầu tiên là tiêu chí bệnh nhân tự báo cáo: Thường người nghiến răng sẽ theo dõi và chú ý xem có các đặc điểm của nghiến răng hay không, từ đó có thể nghi ngờ để tới các cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị tình trạng này. Bệnh nhân có thể dựa vào bảng câu hỏi dưới đây để nhận biết có nghiến răng hay không.
Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hiệp hội Khoa học giấc ngủ Hoa Kỳ |
|
+ Thứ 2 là bác sĩ khám lâm sàng: Phát hiện các triệu chứng và dấu hiệu của nghiến răng như các diện mòn trên răng, đường nhai in dấu ở má và lưỡi, tiếng kêu khớp, đau đầu, đau khớp, đau cơ, mỏi hàm, gãy vỡ răng thật hoặc phục hình trong miệng…
+ Thứ 3 là các công cụ chẩn đoán như máy đo đa kí giấc ngủ, máy này được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nghiến răng, tuy nhiên khó có thể thực hiện thường quy vì thủ thuật phức tạp, giá thành cao và bất tiện cho bệnh nhân.
+ Máy đo điện cơ đồ: Là một thiết bị di động nhỏ gọn để ghi lại hoạt động của cơ nhai trong lúc ngủ hoặc thức, cho thấy người dùng có thực hiện hành vi nghiến hay không?
MÁY ĐO ĐIỆN CƠ ĐỒ
+ Máng chẩn đoán nghiến: Hay gọi là máng Bruxchecker có tấm nhựa polyvinyl mỏng, có chất chỉ thị màu đỏ và bị thủng hay phai màu khi có các tiếp xúc răng. Phương án chẩn đoán này được sử dụng thông dụng hơn do dễ áp dụng và đạt hiểu quả cho người dùng.
Nghiến răng là bệnh lý cần thiết điều trị ở người trưởng thành vì những hậu quả nghiêm trọng trên. Bản thân bạn có thể nghi ngờ phát hiện được bệnh lý, từ đó có thể đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để thăm khám và điều trị. Về hướng điều trị, đây là bệnh đa nguyên nhân nên để đạt được hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần nghiêm túc và tự giác thực hiện theo những lời hướng dẫn của nha sĩ, đồng thời kết hợp cùng phương pháp nha sĩ đề xuất sau đây:
– Nghiến răng có mối quan hệ mật thiết với các chất kích thích như rượu, bia, café, trà, thuốc lá nên bệnh nhân cần tránh các chất kích thích ngay trước khi ngủ, cần tạo ra thói quen ngủ tốt như tập yoga hỗ trợ, hay loại bỏ những căng thẳng và tránh thói quen dùng hàm quá nhiều vào ban ngày mà không nhằm thực hiện chức năng như nghiến răng hay siết chặt răng trong lúc thức, giữ răng 2 hàm chạm nhau và giữ siết cơ dù không ăn nhai, đặt và ép chặt lưỡi vào răng, ngậm cắn bút chì, ống hút, móng tay…
– Tiếp đến là máng nhai: Đây là khí cụ trong miệng bằng nhựa được mang ở hàm trên hoặc hàm dưới, được sử dụng phổ biến nhất trên lâm sàng để điều trị nghiến răng. Khí cụ này khi đeo trong miệng có thể bị mòn, nhưng tác dụng đem lại là bảo vệ răng, tạo tiếp xúc đồng đều hài hòa giữa 2 hàm, giảm lực lên khớp và thư giãn cơ hàm. Điều trị máng nhai hiện đang là phương án phổ biến tại nha khoa Thùy Anh, không những có tính bảo tồn mà còn đem lại an toàn cho bạn.
+ Phản hồi sinh học là phương án được sử dụng gần đây, là thiết bị đo lường được gắn vào nhóm cơ thái dương và cơ cắn nhằm giúp tiếp nhận tình trạng nghiến răng, xử lý tín hiệu và phản hồi lại cho não bộ ngừng thực hiện hành vi nghiến răng đang xảy ra.
+ Vật lý trị liệu: Nhằm giảm những tác động bất lợi của nghiến răng lên hệ thống cơ nhai như các bài tập trị liệu, thư giãn cơ, châm cứu, tiêm vào cơ hàm.
Và các bài tập tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân giữ được bình tĩnh và kiểm soát được các hoạt động cận chức năng. Bên cạnh giải quyết các triệu chứng, bác sĩ chúng tôi cũng cần cần giải quyết các hậu quả của nghiến răng gây ra như mòn răng hay các vấn đề về thẩm mỹ.
Cảm ơn các bạn đã chú ý theo dõi, hy vọng những thông tin bài viết đã giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về bệnh lý nghiến răng, cũng như hậu quả và hướng điều trị phù hợp cho tình trạng này.