Thông tin tổng quan về khớp thái dương hàm – nha khoa Thùy Anh

Khi nhắc đến các khớp trên cơ thể, điều đầu tiên bạn có thể nghĩ đến đó là hông hay đầu gối – những khớp hỗ trợ chúng ta trong việc di chuyển, tiếp đến là cổ tay, mắt cá chân, khuỷu tay, ngón tay và ngón chân. Có một khớp mà chúng ta dễ dàng bỏ qua, dù nó là một trong những khớp được sử dụng nhiều nhất và cần thiết nhất, đó là khớp hàm, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta, bao gồm: ăn uống, nói chuyện, hôn và thậm chí cả thở”  (Trích dẫn báo cáo Học Viện Y khoa Quốc Gia Mỹ 2020 về TMJ).

TMJ là viết tắt của Khớp Thái Dương Hàm, nó kết nối xương hàm dưới đến xương thái dương của hộp sọ ở mỗi bên, bạn có thể sờ thấy nó bằng cách đặt ngón tay ở phía trước tai và há miệng. Chỏm lồi cầu xương hàm dưới và xương thái dương khớp với nhau như là quả bóng nằm trong hốc với đĩa khớp ở giữa, các cơ vùng má và thái dương mỗi bên mặt giúp hàm dưới vận động. Khớp thái dương hàm cũng là khớp duy nhất trên cơ thể hoạt động đồng thời cùng nhau như một đơn vị. 

Khi bạn há miệng, lồi cầu sẽ dần dần dịch chuyển đi xuống và ra phía trước cho tới lồi củ xương thái dương, khi đóng hàm lồi cầu lại trượt trở lại vào vị trí hõm khớp. Để giữ cho chuyển động này hoạt động trơn tru, đĩa khớp như một cái đệm nằm giữa các bề mặt xương. Đĩa khớp có nhiệm vụ chặn và phân tán lực nhai, đồng thời cho phép chuyển động hài hòa của đĩa – lồi cầu. Trong các tư thế chuyển động hàm dưới, đĩa khớp luôn ở trên đầu lồi cầu, như một chiếc mũ bao phủ, bảo vệ lồi cầu, dây chằng đĩa giống như quai mũ, giữ đĩa khớp ở đúng vị trí.

Rối Loạn Khớp Thái Dương Hàm là gì?

Rối loạn khớp thái dương hàm là thuật ngữ chung cho một nhóm các tình trạng cơ xương khớp và thần kinh cơ liên quan đến khớp thái dương, các cơ nhai và tất cả các cấu trúc liên quan.

Những phát hiện gần đây cho thấy rối loạn thái dương hàm là một tình trạng đa hệ thống phức tạp, nó liên quan đến nhiều bộ phận và cơ quan trong cơ thể khác nữa chứ không chỉ giới hạn ở vùng hàm và răng. 

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng 85% bệnh nhân mắc TMD cũng mang các tình trạng khác như: rối loạn giấc ngủ, đau cổ, thắt lưng, hội chứng ruột kích thích, nhức đầu, hội chứng mệt mỏi mãn tính… Khi mang các vấn đề rối loạn thái dương hàm, bệnh nhân còn bị ảnh hưởng đến khả năng nói, nhai, nuốt, nét mặt và thậm chí cả việc thở nữa.

Nhiều liên quan như vậy, nên thường triệu chứng của Rối loạn Thái Dương hàm cũng dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác như đau đầu do bệnh lý tai mũi họng, bệnh nội thần kinh. Bệnh thường tiến triển từ từ sau nhiều tháng, thậm chí hàng năm thì các triệu chứng của bệnh mới phát tác rõ ràng.

Các triệu chứng điển hình của Bệnh lý Thái Dương Hàm có thể kể đến như:

  • Tiếng kêu lục cục khi há ngậm miệng.
  • Há miệng ziczac, khó há miệng, khi há to bị đau.
  • Đau, mỏi hàm khi ăn nhai, há ngậm.
  • Đau vùng góc hàm, thái dương, mỏi cổ vai gáy.
  • Ù tai
  • Răng nhạy cảm nhưng không có sâu vỡ răng.

Theo các nghiên cứu dịch tễ, tỷ lệ mắc ít nhất 1 triệu chứng TMD trong dân số khá là cao, có thể lên đến 60 – 70%. May mắn là chỉ có 7 – 10% là cần thiết phải can thiệp điều trị. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi phát bệnh phổ biến là 20 – 40 tuổi, tương ứng độ tuổi có nhiều hoạt động sống sôi nổi nhất, với các tương tác xã hội phức tạp, dễ bị stress. TMD gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Khi nhìn vào các con số thống kê, các bạn cũng có thể thấy, không phải cứ có triệu chứng TMD là phải can thiệp điều trị. Nhiều bệnh nhân chỉ cần thực hiện các liệu pháp chăm sóc tại nhà, tập hàm theo hướng dẫn của bác sĩ là các triệu chứng đã giảm đi nhiều và dần dần sẽ thích nghi mà không cần can thiệp điều trị thêm. Tuy nhiên, để yên tâm nhất bạn vẫn cần tìm đến phòng khám chuyên khoa để có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn nằm trong số 7-10% có biểu hiện bệnh lý rõ ràng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, công việc thì can thiệp điều trị là rất cần thiết, tránh để bệnh diễn biến xấu gây ra thoái hóa khớp, thậm chí không thể ăn nhai.


 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook Chat