Triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm bạn cần nắm rõ 

Trong y khoa, triệu chứng lâm sàng đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh. Với rối loạn khớp thái dương hàm, nó còn có giá trị hơn nhiều so với kết quả chẩn đoán hình ảnh.

Triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm 

Triệu chứng lâm sàng chính là kết quả quá trình hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ. Bao gồm những vấn đề mà bệnh nhân cảm thấy, rồi mô tả lại với bác sĩ và những phát hiện lâm sàng mà bác sĩ thấy được khi thăm khám. 

Nhìn chung, triệu chứng bệnh rối loạn khớp thái dương hàm rất nhiều và đa dạng, điều này do khớp Thái Dương Hàm là khớp động duy nhất tại đầu mặt. Nó rất gần với não bộ là thần kinh trung ương chi phối toàn bộ cơ thể. 

Rối loạn khớp thái dương hàm (TMD) là một nhóm gồm hơn 30 tình trạng gây đau và rối loạn chức năng ở khớp và các cơ chi phối chuyển động của hàm. Nhiều triệu chứng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và tự biến mất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chúng có thể trở thành mạn tính, kéo dài, nó có thể không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của người bệnh. Ngoài ra, TMD có thể xảy ra riêng lẻ hoặc cùng lúc với các tình trạng bệnh lý khác như đau đầu, đau lưng, khó ngủ và hội chứng ruột kích thích.

Triệu chứng lâm sàng của rối loạn hệ thống nhai có thể phân loại theo cấu trúc bị ảnh hưởng: cơ, khớp, răng và các triệu chứng khác. Các triệu chứng thường gặp:

  • Đau: Đây là than phiền phổ biến nhất của bệnh nhân. Thường gặp ở rối loạn cơ nhai. Có thể từ mức độ nhẹ đến đau đớn cực kỳ khó chịu. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thường than phiền là cảm giác mỏi, căng cơ. Đau có thể ở nhiều vị trí khác nhau như góc hàm, vùng thái dương hay vai gáy… 

Ngoài đau cơ, cũng có thể gặp bệnh nhân bị đau khớp, thường được mô tả là đau ở vùng trước tai (vị trí của khớp thái dương hàm). Chính vì vị trí đau này, nhiều bệnh nhân đến khám đầu tiên ở bác sĩ tai mũi họng. Lịch sử về rồi loạn khớp thái dương hàm cũng cho thấy, người đầu tiên đề cập đến rối loạn khớp thái dương hàm là Costen, một bác sĩ Tai mũi họng.

  • Tiếng kêu khớp: Gặp khá phổ biến nhưng nhiều trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không đau, nên không có nhu cầu điều trị.
  • Rối loạn vận động hàm: Có thể là há miệng hạn chế hoặc há miệng quá mức, há miệng zic zac, há lệch bên hoặc há nhảy nấc.
  • Ù tai
  • Ngoài ra, còn có triệu chứng cơ quan răng như mòn răng, ê buốt, nứt tét răng hay viêm tủy. Trong đó, mòn răng là đa dạng và phổ biến nhất.
  • Rối loạn tư thế

Bệnh lý TMD còn có những biểu hiện về rối loạn tư thế: Dáng đứng bệnh nhân không thẳng, vẹo cột sống, đầu nghiêng sang một bên, khi cười thấy gương mặt căng thẳng và nụ cười không cân đối, khóe mép bên cao bên thấp.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cột sống là một thực thể liên tục, vị trí đầu chịu ảnh hưởng bởi thăng bằng cơ toàn bộ cơ thể và ngược lại tư thế đầu cũng ảnh hưởng tư thế toàn thân. 

Những trường hợp lệch hàm và bất cân xứng mặt có thể dẫn đến thay đổi tư thế đầu để bù trừ lại sự thăng bằng. Với những bạn có tình trạng răng móm (khớp cắn ngược) thì đầu hơi hếch lên trên, còn những bạn có vấn đề đường thở hẹp, đầu lại hơi hướng ra trước.  

Và cũng có những trường hợp vẹo cột sống được điều trị tại chuyên khoa cột sống không đạt kết quả nhưng đã trở lại bình thường sau liệu pháp điều trị máng nhai đơn thuần. 

Trên đây là những triệu chứng điển hình, gặp phổ biến nhất của rối loạn khớp thái dương hàm. Khi bạn gặp phải những vấn đề kể trên thì nên tìm đến phòng khám có chuyên khoa về khớp thái dương hàm để thăm khám và tư vấn. Bệnh viêm khớp thái dương hàm hoàn toàn có thể khắc phục triệt để nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook Chat